Vi phạm quyền tác giả trong các trường Đại học ở Việt Nam

Khi chúng ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế, tiếp thu các nét văn hóa phương Tây tiến bộ thì ở các trường đại học Việt Nam hiện nay tồn tại tình trạng xâm phạm quyền tác giả khá phổ biến dưới nhiều hình thức.

1. Một số khái niệm liên quan đến quyền tác giả

Quyền sở hữu trí tuệ được pháp luật công nhận trong Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.

Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất cứ phương tiện hay hình thức nào.

Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học (Điều 8 Nghị định 100/2006/NĐ-CP).

Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu như tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.

Sao chép là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ hình thức nào, bao gồm cả bản sao dưới hình thức điện tử. *

Quyền sao chép tác phẩm là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc tạo ra bản sao của tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc lưu trữ thường xuyên hoặc tạm thời tác phẩm dưới hình thức điện tử”.

Hành vi xâm phạm quyền tác giả là việc sao chép lại tác phẩm của người khác mà không xin phép, thậm chí công bố công trình đó là của mình sáng tạo ra.

2. Hành vi xâm phạm quyền tác giả trong các trường Đại học 

            Mặc dù tình trạng xâm phạm quyền tác giả đã được lên án khá lâu nhưng để chấn chỉnh lại hoạt động này chúng ta nhìn nhận dưới các hành vi cụ thể sau:

            Thứ nhất, đối với việc sao chép tác phẩm. Thực tế cho thấy khi dịch vụ in ấn ra đời và phát triển thì nhu cầu sao chép ngày càng cao. Có thể khẳng định, quyền sao chép tác phẩm là một trong những quyền tài sản cơ bản và quan trọng nhất của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm và quyền này được bảo hộ theo quy định của pháp luật.

            Thứ hai, quyền tác giả bị xâm phạm trong trường hợp giảng viên, sinh viên nghiên cứu khoa học. Điển hình như việc giáo viên hướng dẫn sinh viên, học viên làm luận văn, nghiên cứu sinh... Sau khi hoàn thành công trình, giảng viên hướng dẫn lẫn công bố công trình của học viên, sinh viên của mình làm công trình nghiên cứu khoa học, dùng vào mục đích kinh tế, mục đích chính trị. Thậm chí, xuất hiện tình trạng cán bộ, giảng viên sử dụng đề tài, công trình nghiên cứu khoa học để lấy thành tích cho cá nhân trong quá trình công tác.

Thứ ba, việc lưu giữ giáo trình, tài liệu, công trình nghiên cứu khoa học trong thư viện trường Đại học. Quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định 100/2006/NĐ-CP, thư viện chỉ có quyền sao chép không quá một bản nhằm mục đích nghiên cứu. Ngoài ra thư viện không được sao chép, phân phối bản sao tác phẩm tới công chúng, kể cả bản sao kỹ thuật số. Thực tế còn có một số thư viện lưu trữ khá nhiều giáo trình, tài liệu cùng lúc để phục vụ cho nhu cầu của nhà trường. Hiện nay một số thư viện ở các trường Đại học vẫn bán giáo trình, sách tham khảo dưới dạng “in lậu” mà không có văn bản đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm đó. Như vậy, với việc làm trên, thư viện đã dùng tác phẩm của người khác với mục đích thương mại làm ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của người nắm giữ quyền tác giả.

            Thứ tư, quyền tác giả bị vi phạm trong hợp đồng cấp kinh phí đói với công trình nghiên cứu khoa học của giảng viên và trường đại học. Thực tế cho thấy nhiều trường đại học ở Việt Nam rất chú trọng đến việc nâng cao công tác nghiên cứu khoa học của cán bộ giảng viên trong đơn vị mình. Để khuyến khích sự sáng tạo, đáp ứng cơ sở vật chất cho tác giả trong quá trình thực hiện công trình nghiên cứu khoa học, các trường đại học thường cấp kinh phí cho tác giả trên cơ sở hợp đồng đax thỏa thuận về việc viết giáo trình, bài giảng… phục vụ cho nhu cầu đào tạo của đơn vị. Tuy nhiên, hiện nay nhiều tranh chấp lại nảy sinh khi tác giả lại cho dịch, cho xuất bản nơi khác nên đã xâm phạm quyền của chủ sỡ hữu tác phẩm.

3. Nguyên nhân

Xã hội phát triển, khi nhu cầu tìm hiểu, học hỏi của con người tăng cao thì vấn đề bản quyền càng được chú trọng đặc biệt. Tuy nhiên, như phân tích ở trên thì việc sách lậu bày bán công khai tràn lan, đã làm cho không ít người viết sách, nhà nghiên cứu ở hệ thống giáo dục đại học giảm nhiệt huyết. Còn phía cơ quan quản lý tỏ ra bất lực vì hoạt động vi phạm bản quyền ngày càng tinh vi và khó lường. Theo chúng tôi, từ thực trạng trên có thể rút ra những nguyên nhân sau:

Thứ nhất, về yếu tố lợi nhuận. Với khoản thu khá lớn từ việc bán sách không mất phí bản quyền thì đối tượng kinh doanh “sản phẩm” in ấn nào cũng nhắm đến “miếng bánh” béo bở kể trên. Chỉ cần bỏ ra một khoản tiền in nhỏ, chất lượng giấy kém, các cơ sở in sách lậu tung ra thị trường những quyển sách, tài liệu sao chép giá rẻ đã đánh đúng vào tâm lý người tiêu dùng.

Ở đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến việc sách lậu được bày bán công khai xuất phát từ yếu tố kinh tế. Đối với người tiêu dùng, tức đối tượng hướng đến của sách lậu là giảm được chi phí mua vào càng nhiều càng tốt. Vì thế xuất hiện tâm lý xem nhẹ yếu tố chất lượng sách như thế nào, sách xuất bản ở đâu, sách thật hay sách lậu… người tiêu dùng cũng không mặn mà. Điều này đã được chính đối tượng chuyên sản xuất sách vi phạm bản quyền tận dụng triệt để. Chỉ cần có cùng nội dung, chỉ cần sinh viên, giảng viên, học viên… sử dụng được là được. Tất nhiên, họ chấp nhận thực tế trên vì giá thấp.

Thứ hai, ý thức tự giác của người sử dụng chưa cao. Điều này khá rõ khi ý thức tiêu thụ sách của sinh viên, giảng viên, học viên vẫn còn mang tính thị hiếu. Một cuốn sách được phô tô trình bày bắt mắt, giá thấp vẫn luôn là sự lựa chọn đầu tiên của những đối tượng này. Họ chưa ý thức được hậu quả của việc sử dụng và tiêu thụ sách lậu, chưa đề cao ý nghĩa của quyền tác phẩm trong cơ chế thị trường ở Việt Nam.

Thứ ba, về phía tác giả bị vi phạm bản quyền ở hệ thống giáo dục Đại học. Yếu tố này rất quan trọng, bởi chính tác giả là người trực tiếp bị xâm phạm. Nói đúng hơn, họ phải hành động thiết thực để “đứa con” của mình khỏi bị vi phạm. Tuy nhiên, việc bảo hộ quyền sở hữu lại bị xem nhẹ. Khi phát hiện bản quyền bị xâm phạm, tác giả lại vướng vào thủ tục kiện tụng rườm ra, mất thời gian, chí phí nên bảo vệ quyền tác giả họ chưa quan tâm đúng mức, thậm chí bỏ ngõ quyền lợi chính đáng của mình.

Vụ trưởng Vụ KH-CN, Bộ GD-ĐT Tạ Đức Thịnh nhận định: “Hoạt động sở hữu trí tuệ mới đang ở những bước đầu tiên và chưa thu hút được sự quan tâm đúng mức của đội ngũ cán bộ nghiên cứu. Trong các trường Đại học, Cao đẳng khối tự nhiên và kỹ thuật, số sáng chế, giải pháp hữu ích được bảo hộ chỉ có 37, ngoài ra có khoảng 30 đơn yêu cầu bảo hộ đã được chấp nhận và đang trong giai đoạn thẩm định nội dung. Số này tập trung chủ yếu ở Trường Đại học bách khoa Hà Nội (25 bằng sáng chế, giải pháp hữu ích và 20 đơn yêu cầu bảo hộ). Một số trường khác như Đại học xây dựng có 2 bằng độc quyền sáng chế và 2 bằng độc quyền giải pháp hữu ích, Đại học Mỏ - Địa chất có 2 đơn yêu cầu bảo hộ sáng chế”.

Thứ tư, lực lượng thanh tra, kiểm tra bản quyền tác giả lĩnh vực này còn mỏng so với thực tế. Mặt khác, những quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ còn dài trải. Cụ thể, trong quá trình quản lý, xử lý vi phạm có đến 6 cơ quan là UBND các cấp, thanh tra khoa học và công nghệ, thanh tra văn hóa, cảnh sát kinh tế, quản lý thị trường, hải quan được phép xử lý. Điều này gây ra sự chồng chéo, thiếu tính đồng bộ trong quá trình thanh tra, kiểm tra bản quyền tác giả bị xâm phạm.

Thứ năm, nhận thức về vai trò, vị trí của vấn đề quyền tác giả trong hệ thống các trường đại học chưa được chú trọng đúng mức. Tổ chức tư vấn đăng ký quyền tác giả còn ở mức khiêm tốn. Tâm lý bảo vệ quyền tác giả vẫn chưa được các giảng viên, nhà nghiên cứu lưu tâm nên vô tình tiếp tay cho việc xâm phạm quyền tác giả ngày càng nhiều và công khai.. Điều này cũng gây bất lợi cho lực lượng nghiên cứu khoa học trong hệ thống giáo dục Đại  học trong cả nước.

4. Giải pháp

Từ những bất cập nêu trên về tình trạng xâm phạm quyền tác giả ở các trường đại học ở Việt Nam, chúng tôi xin đề xuất những giải pháp đẩy nhằm bảo vệ quyền tác giả trong các trường đại học như sau:

            Thứ nhất, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng luật Sở hữu trí tuệ đến với quần chúng nhân dân, đặc biệt là những giảng viên, sinh viên thông qua phương tiện thông tin truyền thông. Để quyền tác giả được quan tâm đúng mức, Bộ Giáo dục và Đào tạo như sau:

 phải có những hành động cụ thể như đưa vào giảng dạy bắt buộc môn học Pháp luật sở hữu trí tuệ ở trường đại học. Giới thiệu về nguyên tắc bảo vệ sở hữu trí tuệ, phương thức trích dẫn đúng luật, hình thức xử phạt nếu vi phạm quyền tác giả. Nhà trường tạo điều kiện cho giảng viên tiếp cận với công nghệ phát hiện vi phạm tác quyền…

Mặt khác phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hiệp hội các trường Đại học, Cục sở hữu trí tuệ, cơ quan an ninh… tạo cơ chế pháp lý giúp ngăn chặn hiện tượng vi phạm quyền tác giả trong hệ thống trường Đại học ở Việt Nam.

Thứ hai, pháp luật Việt Nam phải ban hành những quy định rõ ràng về vấn đề photocopy tác phẩm không thuộc các trường hợp giới hạn quyền tác giả theo Điều 25 Luật sở hữu trí tuệ và Điều 25 Nghị định 100/2006/NĐ-CP. Quán triệt các cơ sở in ấn, xuất bản phải đăng ký, cam kết không vi phạm bản quyền tác giả trong quá trình hoạt động kinh doanh lĩnh vực xuất bản phẩm. Đặc biệt là hoạt động phô tô sách, giáo trình, tài liệu chứa yếu tố kinh doanh.

            Thứ ba, cần xây dựng cơ chế quản lý và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong trường Đại học một cách hiệu quả hơn. Cụ thể, các trường Đại học phải tiên phong tự bảo vệ quyền lợi của mình trong vấn đề quyền tác giả như thành lập tổ chuyên trách để xây dựng rõ các quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong trường dựa trên các quy định của pháp luật. Đặc biệt, nhà trường cần rõ ràng trong việc cấp kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học cho giảng viên, thỏa thuận về quyền tác giả sau khi công trình hoàn thành để tránh tranh chấp trong quá trình thương mại hóa tác phẩm.

            Thứ tư, tăng cường lực lượng thanh tra, giám sát chặt chẽ vấn đề bản quyền theo Luật sở hữu trí tuệ 2005. Có thể xây dựng đề án thành lập một phòng, ban chuyên về quản lý vấn đề bản quyền dành cho tác phẩm, ấn phẩm trong các trường Đại học - Cao đẳng thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Hằng năm phải tổ chức Hội thảo cấp trường, cấp Bộ, cấp quốc gia để đánh giá, tổng kết tình hình vi phạm quyền tác giả để đưa ra giải pháp thích hợp cho tình trạng này.

            Thứ năm, cần thiết thành lập “Hiệp hội bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong các trường đại học” ở Việt Nam. Điều này đúng với thực tiễn khi quyền tác giả ở hệ thống giáo dục Đại học - Cao đẳng ở Việt Nam đang bị “xài chùa” ở tình trạng báo động. Theo chúng tôi mỗi trường nên đề xuất cử đại diện tham gia hiệp hội này để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho giảng viên của trường. Hiệp hội hoạt động có điều lệ và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận...

            Thứ sáu, đơn giản hóa tổ chức và hoạt động của cơ quan giám sát, thanh tra vi phạm quyền tác giả. Nhà nước nên quy định chỉ một cơ quan duy nhất xử lý cá nhân, tổ chức vi phạm trong lĩnh vực bản quyền tác giả. Có như vậy mới tránh khỏi tình trạng chồng chéo trong quá trình giám sát hoạt động lĩnh vực này. Đồng thời, về quy định của pháp luật, nên quy định trong một văn bản luật nhất định. Hạn chế sự dàn trải những quy định của pháp luật về lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Như vậy, với việc vi phạm quyền tác giả thì hậu quả của nó ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế cũng như văn hóa của người dân Việt Nam. Một mặt nó làm thất thu một nguồn thuế của nhà nước, làm giảm nhiệt huyết của người nghiên cứu. Mặt khác nó triệt tiêu sức sáng tạo và khiến giới đầu tư e ngại khi thâm nhập lĩnh vực kinh doanh sách giáo dục.

Điều đó cho thấy, bảo vệ quyền tác giả nói chung và bảo vệ quyền tác giả ở các trường Đại học đang là vấn đề cấp thiết cần được cơ quan nhà nước mạnh tay chấn chỉnh để thúc đẩy sự sáng tạo của công dân trong các lĩnh vực khoa học, văn học, nghệ thuật, tạo ra một môi trường bản quyền lành mạnh, thu hút đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam.


                                                                                     TRẦN VIẾT LONG - BỘ MÔN DÂN SỰ

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, bổ sung năm 2009.
  2. Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bộ luật Dân sự, Nhà xuất bản chính trị quốc gia Hà Nội năm 2005.
  3. Chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21/09/2006 do Chính phủ ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.
  4. http://www.cov.gov.vn/cbq, Trang tin Cục bản quyền tác giả.
  5. http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com, Trang tin pháp luật Dân sự
Các bài khác