Công bố thông tin và nội dung nghiên cứu luận án của NCS Nguyễn Văn Đông: “Pháp luật về thu hồi đất nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam”

I. THÔNG TIN NGHIÊN CỨU

- Họ và tên Nghiên cứu sinh: NGUYỄN VĂN ĐÔNG

- Cơ sở đào tạo: TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT, ĐẠI HỌC HUẾ

- Chuyên ngành: Luật Kinh tế - Mã số: 938 01 07

- Tên đề tài: Pháp luật về thu hồi đất nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam

II. TÓM TẮT NỘI DUNG LUẬN ÁN:

1. Tính cấp thiết của việc nghiên cứu

Việt Nam hiện nay có trên 96 triệu dân và hơn 70% trong số đó sống bằng nghề nông nghiệp. Đất đai là một trong những nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá, được coi là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng và không thể thay thế được trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo nguồn thu nhập và tạo ra sản phẩm hàng hoá thiết yếu cho toàn xã hội. Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đất nước tất yếu sẽ dẫn đến quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng một bộ phận diện tích đất nông nghiệp sang phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị. Để thực hiện quá trình chuyển hóa này, Nhà nước phải tiến hành thu hồi đất nông nghiệp của người dân. Việc thu hồi đất không chỉ liên quan đến lợi ích thiết thực của người bị thu hồi đất mà còn đụng chạm đến lợi ích của nhà đầu tư, của xã hội và cả Nhà nước. Đây là nhiệm vụ khó khăn và phức tạp vì nó trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống của người nông dân và đồng thời cũng ảnh hưởng đến quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Điều này không chỉ làm cho người nông dân mất đi tài sản sinh kế đặc biệt quan trọng là đất đai mà còn mất đi cả địa vị, nguồn thực phẩm, thu nhập của gia đình, cộng đồng mà còn gây xáo trộn đến xã hội.

Luật Đất đai năm 2013 đã sửa đổi, bổ sung, khắc phục được nhiều điểm hạn chế của Luật Đất đai năm 2003. Tuy nhiên, sau một khoản thời gian thi hành thì Luật Đất đai năm 2013 cũng đã bộ lộ những hạn chế, bất cập nhất định trong đó có quy định về thu hồi đất nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội. Việc thu hồi đất cũng phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp dẫn đến khiếu kiện kéo dài, phức tạp. Có thể khẳng định Luật Đất đai năm 2013 vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập và chưa phát huy được vai trò quan trọng trong việc bảo đảm quyền lợi chính đáng của người có đất nông nghiệp bị thu hồi, chưa giải quyết được bài toán đảm bảo sự hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và ngườicó đất nông nghiệp bị thu hồi, chưa “hạ nhiệt” các khiếu kiện và chưa phát huy hết tác dụng tích cực trong việc bảo đảm sử dụng nguồn lực đất đai và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.  

Do vậy, việc nghiên cứu và đánh giá một cách khách quan các quy định của pháp luật về thu hồi đất nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội là việc làm hết sức cần thiết về mặt lý luận cũng như thực tiễn áp dụng. Đồng thời, thông qua đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung những quy định chưa phù hợp của pháp luật về thu hồi đất nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội nhằm hoàn thiện các quy định của Luật Đất đai về thu hồi đất cũng như nâng cao chất lượng đời sống của nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp. Với lý do đó, nghiên cứu sinh chọn đề tài: “Pháp luật về thu hồi đất nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam” để làm luận án tiến sĩ chuyên ngành Luật kinh tế.

2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

2.1. Mục đích nghiên cứu

Luận án nhằm làm rõ cơ sở lý luận pháp luật và cơ sở thực tiễn về thu hồi đất nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội; phân tích thực trạng pháp luật về thu hồi đất nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội nhằm phát hiện những tồn tại, bất cập; trên cơ sở đó, luận án đề xuất những định hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật về thu hồi đất nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao hiệu quả thực thi ở Việt Nam.

2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

- Luận án làm rõ thực trạng nghiên cứu những công trình tiêu biểu ở trong nước, nước ngoài liên quan các nội dung của Luận án. Từ đó xác định những nội dung Luận án sẽ kế thừa, những nội dung Luận án tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu để đạt được mục đích nghiên cứu.

- Nghiên cứu một số vấn đề lý luận về thu hồi đất nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội bao gồm quan điểm, đường lối của Đảng về thu hồi đất; chế độ sở hữu toàn dân về đất đai và quyền tài sản của người sử dụng đất đối với quyền sử dụng đất; khái niệm, đặc điểm, mục đích, ý nghĩa, cơ sở của việc nhà nước thu hồi đất nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội; cơ cấu điều chỉnh của pháp luật và các yếu tố tác động đến việc nhà nước thu hồi đất nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội; pháp luật của một số nước trên thế giới về thu hồi đất nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội.

- Nghiên cứu, phân tích, đánh giá nội dung của pháp luật về thu hồi đất nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội và đánh giá thực trạng thi hành chế định pháp luật này ở Việt Nam.

- Đưa ra định hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật về thu hồi đất nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về thu hồi đất nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu: - Chính sách pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; trong đó có nội dung liên quan đến thu hồi đất nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội.

- Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn có liên quan đến thu hồi đất nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội. Luận án cũng nghiên cứu pháp luật về thu hồi đất nông nghiệp của một số nước trên thế giới như: Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc.

- Các công trình khoa học về thu hồi đất, trong đó có thu hồi đất nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội đã được công bố trong thời gian qua ở trong và ngoài nước.

- Các số liệu, vụ việc thực tiễn về áp dụng các quy định của pháp luật về thu hồi đất nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua

3.2. Phạm vi nghiên cứu

- Về nội dung: Các trường hợp thu hồi đất nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội; các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy định về nội dung, thẩm quyền trình tự, thủ tục thu hồi đất nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội; quy định về bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội.

- Về không gian: Luận án nghiên cứu thực tiễn thi hành pháp luật về thu hồi đất nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội trong phạm vi Việt Nam.

- Về thời gian: Luận án giới hạn nghiên cứu pháp luật về về thu hồi đất nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2014 đặt trong mối liên hệ, so sánh với Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến năm 2020.

4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp luận nghiên cứu khoa học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của Chủ nghĩa Mác - Lê Nin.

- Phương pháp so sánh, phương pháp đánh giá, phương pháp lập luận logic.

- Phương pháp phân tích, phương pháp lịch sử, phương pháp đối chiếu

- Phương pháp đánh giá, phương pháp so sánh, phương pháp thống kê, phương pháp tổng hợp, phương pháp khảo sát, phương pháp nghiên cứu tình huống.v.v..

- Phương pháp bình luận, phương pháp quy nạp, phương pháp diễn dịch..

5.1. Những đóng góp mới về mặt lý luận

Về phương diện lý luận, luận án là công trình nghiên cứu lý luận có tính chuyên sâu về thu hồi đất nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam

5.2. Những điểm mới về mặt thực tiễn

Về phương diện thực tiễn, luận án là công trình đánh giá toàn diện đối với thực trạng pháp luật Việt Nam về thu hồi đất nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội và thực tiễn thực hiện các quy định này cùng với những tác động của nó đối với nền kinh tế -xã hội Việt Nam.

Luận án có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho công tác nghiên cứu giảng dạy, học tập.

6. Kết cấu của Luận án

Ngoài lời cam đoan, danh mục các từ viết tắt, mục lục, mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, luận án được bố cục với 04 chương cụ thể như sau:

- Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu đề tài và các vấn đề liên quan đến luận án

- Chương 2. Những vấn đề lý luận pháp luật về thu hồi đất nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam

- Chương 3. Thực trạng pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật về thu hồi đất nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam

- Chương 4. Các giải pháp hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật về thu hồi đất nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam

 

Toàn văn Luận án trong file đính kèm. Tải file 

 

Các bài khác