Về việc miễn giảm học phí đối với học sinh, sinh viên (áp dụng từ năm học 2013-2014)

1. Đối tượng không phải đóng học phí

- Học sinh, sinh viên sư phạm, người theo học các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm để đạt chuẩn nghề nghiệp.

2. Đối tượng được miễn học phí

- Người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29 tháng 6 năm 2005, Pháp lệnh số 04/2012/PL-UBTVQH13 ngày 16 tháng 7 năm 2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Cụ thể:

          + Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; người có công giúp đỡ cách mạng;

+ Con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng; con của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, con của Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; con của thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con của bệnh binh; con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; con của người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; con của người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; con của người có công giúp đỡ cách mạng.

- HSSV mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế.

- HSSV hệ cử tuyển.

- HSSV tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

- Sinh viên học chuyên ngành Mác - Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.

- HSSV, học viên các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y và Giải phẫu bệnh.

- HSSV người dân tộc thiểu số rất ít người, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

3. Đối tượng được giảm 70% học phí

HSSV các chuyên ngành nhã nhạc, cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc; một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với dạy nghề. Danh mục các nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.

4. Đối tượng được giảm 50% học phí

HSSV là con cán bộ, công nhân, viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên.

5. Cơ chế miễn, giảm học phí

- Việc miễn, giảm học phí sẽ được thực hiện trong suốt thời gian học tập tại trường, trừ trường hợp có những thay đổi về lý do miễn hoặc giảm học phí.

- Nhà nước thực hiện cấp bù học phí trực tiếp cho các cơ sở giáo dục đại học công lập có đối tượng thuộc diện được miễn, giảm học phí theo số lượng người học thực tế và mức thu học phí (mức cấp bù học phí cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học theo các nhóm ngành nghề được quy định tại Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ).

Theo Cổng thông tin điện tử Đại học Huế

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về miễn, giảm học phí

04:11 CH, 12/08/2013

 (Chinhphu.vn) – Việc cấp bù học phí thông qua cơ sở đào tạo thay vì qua gia đình người học; đối tượng học ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập cũng được miễn, giảm học phí; việc miễn, giảm học phí thực hiện theo đối tượng, không theo vùng miễn… là một số điểm mới về miễn, giảm học phí theo Nghị định 74/2013/NĐ-CP.

Description: http://baodientu.chinhphu.vn/Uploaded/lethithuyan/2013_08_12/Resize%20of%20PVT%20Quang.jpg?maxwidth=460

Ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo 

Ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ để làm rõ những điểm mới cơ bản trong Nghị định 74/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ, đang được dư luận hết sức quan tâm.

PV: Xin ông cho biết, theo Nghị định 74/2013/NĐ-CP, đối tượng được miễn, giảm học phí thay đổi như thế nào?

Trả lời: Nghị định 74/2013/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung một số đối tượng được miễn, giảm học phí trong Nghị định 49/2010/NĐ-CP, đó là:

- Sinh viên học chuyên ngành Mác - Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.

- Học sinh, sinh viên, học viên các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp Y và Giải phẫu bệnh.

- Học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Nghị định 74/2013/NĐ-CP bãi bỏ một số đối tượng được miễn học phí và hỗ trợ chi phí học tập:

- Bãi bỏ đối tượng miễn học phí quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 49 đó là: Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, vùng cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Bãi bỏ đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 49 đó là: Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, vùng cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Nghị định 74/2013/NĐ-CP cũng bổ sung việc cấp bù tiền miễn, giảm học phí cho các đối tượng được miễn, giảm học phí học ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập (mức cấp bù bằng với mức trần học phí tương ứng với nhóm ngành nghề theo quy định của Nghị định 49/2010/NĐ-CP).

Điều này đảm bảo sự công bằng về chính sách đối với học sinh công lập và ngoài công lập. Đây là điểm quy định bổ sung rất mới, góp phần giảm bớt khó khăn cho các đối tượng chính sách khi theo học tại các cơ sở đào tạo ngoài công lập (Trước đây Thông tư liên tịch số 16/2006/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BTC, ban hành ngày 20/11/2006 của Liên Bộ quy định hỗ trợ cho con của người có công với cách mạng đi học tại các cơ sở đào tạo ngoài công lập nhưng mức hỗ trợ rất thấp).

PV: Làm sao có thể khắc phục được việc chậm trễ trong việc chi trả tiền miễn, giảm học phí, gây bức xúc dư luận trong thời gian vừa qua, thưa ông ?

Trả lời: Trong quá trình thực hiện Nghị định số 49/2010/NĐ-CP, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương thấy rằng việc cấp bù học phí cho các đối tượng thuộc diện miễn, giảm học phí thông qua gia đình người học ở địa phương trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn và vướng mắc. Học sinh, sinh viên và gia đình người học phải đi lại nhiều lần để làm thủ tục xác nhận và nhận tiền cấp bù miễn, giảm học phí, rất khó khăn và tốn kém chi phí đi lại đối với gia đình người học sống ở địa bàn miền núi, vùng sâu…

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương thực hiện chi trả tiền cấp bù miễn, giảm học phí thường rất chậm (do biên chế ít người, đối tượng chi trả nhiều nên mất nhiều thời gian thu lý hồ sơ). Đây là một trong những nguyên nhân gây chậm trễ trong việc chi trả tiền miễn, giảm học phí và gây bức xúc trong dư luận xã hội trong thời gian qua.

Qua các phương tiện truyền thông, các Đại biểu Quốc hội, sinh viên, học sinh phản ánh về Bộ Giáo dục và Đào tạo đều kiến nghị thay đổi phương thức cấp bù tiền miễn giảm học phí. Đây là một trong các lý do chủ yếu dẫn đến phải sửa đổi, bổ sung Nghị định số 49/2010/NĐ-CP.

Theo đó, theo Nghị định 74/2013/NĐ-CP, việc cấp bù tiền miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên thông qua cơ sở đào tạo thay vì thông qua gia đình người học. Điều này là hoàn toàn phù hợp với nội dung của Nghị quyết số 35/2009/NQ-QH12 của Quốc hội khóa 12, đồng thời giảm thiểu đáng kể thủ tục thanh toán đang gây chậm trễ và phiền hà cho người học và gia đình họ thời gian qua.

Description: http://baodientu.chinhphu.vn/Uploaded/lethithuyan/2013_08_12/hp128.jpg?maxwidth=460

Theo Nghị định 74/2013/NĐ-CP, việc cấp bù tiền miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên sẽ thông qua cơ sở đào tạo thay vì thông qua gia đình người học

 

Ngoài ra, Nghị định 74/2013/NĐ-CP cũng tạo điều kiện hơn cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học của các doanh nghiệp nhà nước trong việc xác định mức thu học phí, thay vì phải trình Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính để phê duyệt thì nay chỉ cần xây dựng mức thu học phí và báo cáo về 2 Bộ trước khi thực hiện, điều này đã góp phần giảm thiểu về thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cơ sở giáo dục đào tạo.

PV: Ông có thể cho biết lý do lựa chọn việc miễn, giảm học phí theo đối tượng thay vì theo vùng miền ?

Trả lời: Thời gian qua, việc miễn học phí theo vùng miền, dẫn đến việc miễn, giảm học phí tràn lan, có đối tượng là con hộ gia đình khá giả trong vùng cũng được miễn giảm học phí và cấp hỗ trợ chi phí học tập, gây bức xúc trong dư luận, đồng thời việc miễn giảm học phí như vậy sẽ gây lãng phí cho ngân sách nhà nước. Nay theo Nghị định 74/2013/NĐ-CP thì việc miễn, giảm học phí sẽ thực hiện theo đối tượng (các đối tượng đã qui định trong Nghị định 49/2010/NĐ-CP và đối tượng bổ sung trong Nghị định 74/2013/NĐ-CP).

PV: Theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP, sinh viên chuyên ngành nặng nhọc, độc hại được giảm 70% học phí. Tuy nhiên khi áp dụng gặp một số vướng mắc trong việc xác định đâu là chuyên ngành nặng nhọc, độc hại, vậy Nghị định 74/2013/NĐ-CP sẽ gỡ vướng mắc này như thế nào?

Trả lời: Nghị định 74/2013/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 49/2010/NĐ-CP đã sửa đổi rất cơ bản đối tượng được giảm 70% học phí. Theo đó chỉ có một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ở lĩnh vực dạy nghề mới được giảm 70% học phí. Đối với học sinh, sinh viên học Đại học, cao đẳng sẽ không có đối tượng giảm 70% học phí.

Tại Nghị định 74/2013/NĐ-CP, Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành danh mục cụ thể các nghề để được giảm 70% học phí. Văn bản này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ sớm ban hành trong thời gian tới để kịp thực hiện trong năm học mới.

PV: Nhiều sinh viên băn khoăn về mức cấp bù học phí vì thực tế hiện nay học phí ở mỗi trường là khác nhau. Xin ông cho biết, sinh viên thuộc đối tượng được miễn học phí liệu có được cấp bù 100% số tiền học phí phải đóng tại trường không?

Trả lời: Đối với các cơ sở giáo dục đào tạo công lập: mức cấp bù học phí tối đa theo khung học phí quy định tại Nghị định 49/2010/NĐ-CP, tương ứng với từng nhóm ngành nghề, theo từng năm học và theo quy định của Nhà trường (Trường có thể quy định trong khung và dưới mức trần theo từng năm học). Như vậy không có sự khác nhau nhiều về mức học phí cấp bù nếu học sinh, sinh viên đó cùng học ở 2 trường khác nhau nhưng cùng nhóm ngành đào tạo. Các đối tượng được miễn, giảm học phí sẽ được Nhà nước cấp bù tiền học phí tương ứng với việc được giảm 50%, 70% hay được miễn 100% học phí.

Đối với các cơ sở giáo dục đào tạo ngoài công lập: Mức cấp bù học phí sẽ theo mức học phí quy định tại Nghị định 49/2010/NĐ-CP, tương ứng với các nhóm ngành nghề. Như vậy, nếu trường ngoài công lập thu học phí cao hơn mức quy định của Nghị định 49/2010/NĐ-CP thì đối tượng miễn, giảm học phí chỉ được nhận mức cấp bù tối đa theo mức học phí quy định của Nghị định 49/2010/NĐ-CP.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Hằng thực hiện

 

Bộ GDĐT giải đáp một số trường hợp miễn, giảm học phí

 (Chinhphu.vn) - Bộ Giáo dục và Đào tạo giải đáp một số trường hợp được miễn, giảm học phí theo Nghị định 74/2013/NĐ-CP, như trường hợp sinh viên học trường ngoài công lập, sinh viên theo học chuyên ngành nặng nhọc, độc hại, hay trường hợp cha mẹ có hộ khẩu ở vùng cao còn con học mầm non ở vùng đồng bằng...

Sinh viên Bùi Minh Quân (minhquanlc2@...): Em là sinh viên trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, thường trú tại thôn Sín Lùng Chải B, xã Lùng Khẩu Nhin, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Xã Lùng Chải B là xã thuộc Chương trình 135. Xin hỏi em có được hưởng chế độ miễn học phí theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ không?

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời: Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 của Thông tư liên tịch số 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 15/11/2010 của Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ thì: “Cấp trực tiếp tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí cho các đối tượng được miễn, giảm học phí học chính quy ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập”.

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là trường ngoài công lập, do vậy trường hợp của em học trường ngoài công lập nên không được xem xét cấp bù tiền miễn, giảm học phí theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP.

Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP, trong  đó đã sửa đổi về việc miễn, giảm học phí cho các đối tượng được miễn, giảm học phí học ở các cơ sở đào tạo không phân biệt học trường công lập hay ngoài công lập. Tuy nhiên, Nghị định 74/2013/NĐ-CP cũng đã bỏ quy định miễn học phí theo địa bàn (vùng miền), do vậy trường hợp của em sau khi Nghị định này có hiệu lực thi hành thì em cũng không thuộc đối tượng được miễn, giảm học phí.

Description: http://baodientu.chinhphu.vn/Uploaded/tranthuhang/2013_12_10/mien%20giam%20hoc%20phi%2010.12.jpg?maxwidth=460

Nghị định 74/2013/NĐ-CP đã bỏ quy định miễn học phí theo địa bàn - Ảnh minh hoạ

 

Sinh viên Đỗ Vân Hà (hadobuh@...): Trước đây, bố em có tham gia chiến đấu tại Campuchia và hiện bố mẹ em đang công tác trong quân đội. Em là sinh viên Đại học thì em có thuộc diện được miễn học phí không? Nếu có thì thủ tục để được miễn như thế nào và nhận lại tiền miễn học phí tại đâu?

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời: Khoản 5 Điều 4 của Nghị định 49/2010/NĐ-CP đã quy định miễn học phí cho: “Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông là con của hạ sĩ quan và binh sĩ, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong lực lượng vũ trang nhân dân”. Do vậy, trường hợp của em là sinh viên đại học nên không thuộc đối tượng được miễn học phí.

Bà Nguyễn Thu Nguyệt (nguyetnguyenthu12@...): Tôi có hộ khẩu ở vùng cao còn con tôi học mầm non ở vùng đồng bằng. Theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ thì con tôi được hưởng hỗ trợ kinh phí học tập. Năm 2010 tôi có làm hồ sơ nộp tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội của huyện nhưng từ năm 2010 đến nay con tôi chưa được hỗ trợ chi phí học tập. Theo Nghị 74/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ tháng 9/2013 thì con tôi không được hưởng chế độ năm học 2013 - 2014. Xin hỏi con tôi có được cấp bù kinh phí học tập các năm 2010 - 2011, 2011 - 2012, 2012 - 2013 không? Nếu có thì tôi cần làm những thủ tục gì?

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời: Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP, hỗ trợ chi phí học tập cho: "Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, vùng cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn".

Qua phản ánh của bà thì con của bà đang học trường mầm non ở vùng đồng bằng (nếu được Trường mầm non ở đồng bằng tiếp nhận) thì sẽ được hưởng chế độ hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP.

Về thủ tục để được hỗ trợ chi phí học tập đã được quy định cụ thể trong Thông tư liên tịch số 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH. Theo đó, trong vòng 30 ngày kể từ ngày bắt đầu năm học, cha mẹ (hoặc người giám hộ) trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông công lập có đơn đề nghị hỗ trợ chi phí học tập gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội kèm theo bản sao chứng thực sổ đăng ký thường trú của hộ gia đình để được Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trực tiếp chi trả hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp xã chi trả.

Trường hợp bà nếu đã làm đầy đủ hồ sơ và nộp cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thì sẽ được cấp truy lĩnh tiền hỗ trợ chi phí học tập theo quy định.

Trường hợp học chuyên ngành nặng nhọc, độc hại

Sinh viên Ngô Hồng Anh (honganhta4@...): Theo Nghị định số 74/2013/NĐ-CP, các đối tượng được giảm 70% học phí gồm: Học sinh, sinh viên các chuyên ngành nhã nhạc, cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc; một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với dạy nghề. Danh mục các nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định. Em học chuyên ngành Công nghệ Hoá học và Môi Trường của trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, thường xuyên phải thực hành trên phòng thí nghiệm, tiếp xúc nhiều với các loại hoá chất độc hại. Xin hỏi là trường hợp của em có được miễn giảm học phí theo Nghị định số 74/2013/NĐ-CP không?

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời: Theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 74/2013/NĐ-CP, các đối tượng được giảm 70% học phí bao gồm: “Học sinh, sinh viên các chuyên ngành nhã nhạc, cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc; một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với dạy nghề. Danh mục các nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định”.

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên không phải là trường thuộc lĩnh vực dạy nghề nên kể từ khi Nghị định 74/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì chỉ có người học theo học một số nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong lĩnh vực dạy nghề mới được xem xét để giảm 70% học phí. Danh mục các nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành.

Sinh viên La Trung Tín (trungtin512@...): Em là sinh viên năm 4 của ngành Khoa học Vật liệu, Đại học Khoa học Tự nhiên. Em đã nộp đơn và được xác nhận miễn giảm 70% học phí ngành nặng nhọc độc hại do thuộc chuyên ngành thường xuyên tiếp xúc với các hoá chất độc mạnh, nồng độ cao; với dung môi hữu cơ, với các axit đậm đặc (H2So4, HCl, HNO3,..) rất độc và nguy hiểm theo mục 6 của Quyết định số 915/LĐTBXH-QĐ. Giờ em đang đợi nhận tiền cấp bù học phí nhưng  em được xác nhận trước khi Nghị định số 74/2013/NĐ-CP ban hành, nên không biết em có được nhận tiền truy lĩnh không?

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời: Nghị định số 74/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2013, do vậy nếu em đã được Nhà trường xác nhận thuộc đối tượng được giảm 70% học phí khi theo học các ngành nặng nhọc, độc hại tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập thì sẽ được xem xét cấp bù tiền miễn, giảm học phí nếu đã nộp đầy đủ hồ sơ theo quy định của Thông tư liên tịch số 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện.

Phòng Thông tin phản ánh của tổ chức và công dân

 

 

Các bài khác